Mục lục [ Ẩn ]

GCSE – General Certificate of Secondary Education

 

Hệ thống giáo dục Anh Quốc

 

Bậc học phổ thông tại Vương Quốc Anh là 11 năm, học sinh bắt đầu đi học từ 5 tuổi (học mẫu giáo từ 3 tuổi).

Tiểu học 6 năm bắt đầu từ 5 – 11 tuổi. Học sinh học hết tiểu học không thi tốt nghiệp.

Trung học 5 năm bắt đầu từ 11 – 16 tuổi. Học sinh tốt nghiệp phổ thông sẽ thi tốt nghiệp GCSE (General Certificate of Secondary Education).

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tuỳ vào nhu cầu và thực lực của mình, học sinh sẽ chọn học đại học hay học nghề. Nếu học sinh chọn học tiếp đại học, các em đăng ký học tiếp A level (chứng chỉ A) hoặc IB (tú tài Quốc tế) gọi là bậc dự bị đại học, chương trình này kéo dài 2 năm (từ 16-19 tuổi). Học sinh nước ngoài còn có thể chọn chương trình tương đương gọi là Dự bị đại học quốc tế (International Foundation), chương trình này thường chỉ 1 năm.

Bậc đại học tại UK là 3 năm, cá biệt có một số ngành học 4 năm, thạc sỹ từ 1 – 2 năm và tiến sỹ là 3 năm.

Học sinh chọn học nghề sẽ đi học tại các trường cao đẳng nghề, học các chứng chỉ HNC, HND, BTEC và đi làm hoặc tiếp tục học liên thông lấy bằng cử nhân, rồi có thể học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ…

 

A LEVEL

 

Hệ thống giáo dục Anh Quốc

Nhiều trường ở Anh có thể cung cấp tới hơn 40 môn học trong hàng trăm môn A level để học sinh lựa chọn học 4 môn.

 

Đối với trường hợp học sinh chọn học A level, chương trình phổ biến và chính thống của Vương quốc Anh từ xưa tới nay để vào đại học, học sinh sẽ chọn học 4 môn liên quan đến chuyên ngành sẽ học ở bậc đại học và tối đa 5 môn. Nhiều trường ở UK có thể cung cấp tới hơn 40 môn học để học sinh lựa chọn học 4 môn.

  • Năm đầu của A level gọi là AS, học sinh học 4 môn.
  • Năm thứ hai gọi là A2 học sinh có thể chọn bỏ một môn và chỉ học 3 môn thôi vì hầu hết các trường Đại học chỉ xét 3 môn. Chỉ một số học sinh nào thật giỏi và chăm chỉ, muốn hồ sơ có sự khác biệt khi đăng ký vào các trường top đầu như Oxford, Cambridge… sẽ chọn giữ cả 4 môn hoặc cá biệt có bạn học tới 5 môn.

Học sinh được toàn quyền đăng ký số môn học theo khả năng của mình nhưng tối thiểu là 4 môn cho AS và 3 môn cho A2.

Khi đăng ký đại học, học sinh sẽ chọn ngành liên quan tới các môn học ở A level và được chọn 5 trường trong UCAS (Universities & Colleges Admissions Service) là một tổ chức có hệ thống liên thông với các trường đại học ở Vương Quốc Anh và Bắc Ireland và giúp các trường này tuyển sinh. Tất cả các trường đại học tại Vương Quốc Anh và Bắc Ireland đều tuyển sinh qua hệ thống UCAS (https://www.ucas.com). Học sinh đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học ngay sau kỳ thi AS, học sinh dựa vào điểm AS để điền nguyện vọng và để an toàn học sinh thường chọn 1-2 trường top trên, 2 trường top trung và 1-2 trường top dưới để đăng ký.

Sẽ có nhiều em đều được các trường đại học chấp nhận và nhận được thư mời học có điều kiện từ cả 5 trường, có em thì ít hơn tuỳ vào lượng đăng ký của học sinh vào trường đó và kết quả AS của học sinh. Cũng có học sinh bị từ chối cả 5 trường do em đó đăng ký nguyện vọng vào các trường vượt quá khả năng của mình. Học sinh quốc tế học A level tại UK cũng phải đăng ký như học sinh bản địa, tuy nhiên học sinh quốc tế sẽ phải cung cấp thêm chứng chỉ tiếng Anh theo yêu cầu đầu vào đại học của từng trường.

Chỉ đến khi có điểm thi A2 (năm cuối A level) thì học sinh mới biết được mình có đạt hay không. Vì khi các trường có thư mời học cho học sinh dựa vào điểm AS thì họ sẽ chấp nhận học sinh với điều kiện điểm A2 phải đạt là bao nhiêu, ví dụ 3 môn phải là AAA, AAB, ABB, BBB, BBC, BCC… tuỳ vào thứ hạng của trường và của ngành học sinh đăng ký tại trường đó (UK chấm theo thang điểm A, B, C, D, E.

Lúc này sẽ có trường tuyển đủ học sinh và có trường không tuyển đủ học sinh, sẽ có học sinh không vào được các trường mà mình đã có thư mời học có điều kiện trước đó do kết quả A2 không đạt như trong thư mời có điều kiện, vậy lúc đó sẽ có một đợt tuyển bổ sung gọi là clearing và học sinh trượt các nguyện vọng trước đó sẽ đăng ký trong đợt clearing đó và chọn những trường chưa tuyển đủ học sinh.

 

Hệ thống giáo dục Anh Quốc

 

Học sinh quốc tế có thể lựa chọn học International Foundation kéo dài 1 năm, thiết kế để phù hợp với học sinh quốc tế. Tuy nhiên học chương trình này ở một số trường, học sinh quốc tế cũng có thể chọn 6 trường đại học để đăng ký sau khi tốt nghiệp nhưng riêng Đại học Oxford và Đại học Cambridge sẽ không nhận học sinh học chương trình International Foundation.

Tất cả các quy trình đăng ký nguyện vọng học sinh đều đăng ký online, không phải di chuyển đến các trường mình đăng ký khi chưa cần nhập học. Trong quá trình đăng ký, học sinh có thể sửa đổi nguyện vọng qua trang web của UCAS hoặc có thể hỏi nếu không hiểu.

Hiện tại có rất nhiều trường quốc tế trên thế giới cũng như ở Việt Nam có thể đăng ký dạy A level và học sinh có thi A level tại nước sở tại và có thể nộp hồ sơ vào các đại học Anh Quốc qua hệ thống UCAS mà không có bất cứ sai sót hay tiêu cực nào.

 

IB – INTERNATIONAL BACCALAUREATE DIPLOMA

 

Hệ thống giáo dục Anh Quốc

 

Ngoài ra, hiện này có rất nhiều trường nội trú tại UK, Mỹ hay Canada đưa vào dạy chương trình IB (Tú tài quốc tế). Bằng tú tài quốc tế là một chương trình giáo dục đã được quốc tế công nhận nên học sinh tốt nghiệp IB Diploma có thể nộp hồ sơ vào bất cứ trường đại học nào trên thế giới, nó được dùng để thay thế cho các chương trình phổ thông vốn chỉ được công nhận ở mỗi quốc gia. Trên thực tế theo tờ Guardian của Anh, tấm bằng này thử thách người học nhiều hơn nhưng đồng thời cũng rộng mở hơn tấm bằng A level đến 3,4 lần.

Đây là chương trình của Tổ chức Tú Tài Quốc Tế (International Baccalaureate Organization) có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sỹ và được thành lập năm 1968. IB có 3 giáo trình, giảng dạy cho học sinh từ 3-19 tuổi và IB Diploma là bằng cấp cao nhất của chương trình dành cho học sinh từ 16 -19 tuổi.

Giáo trình IB gồm 6 nhóm môn học sau đây để học sinh theo đuổi:

  1. Ngôn ngữ bản địa hoặc ngôn ngữ 1
  2. Một ngôn ngữ thứ 2 (bao gồm tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Trung Quốc)
  3. Cá nhân và Xã hội học (bao gồm Lịch sử, Địa lý, Tâm lý và Kinh doanh & Quản lý)
  4. Khoa học (gồm Sinh học, Hoá học và Vật Lý)
  5. Toán học
  6. Nghệ thuật (bao gồm Âm nhạc, Sân khấu/Nghệ thuật biểu diễn và Nghệ thuật Thị giác)

Mỗi học sinh được lựa chọn 6 môn học: 5 môn đầu tiên học sinh được lựa chọn một môn trong mỗi 5 nhóm môn học từ 1-5. Môn học thứ 6 là môn tự chọn nên học sinh có thể chọn trong nhóm môn thứ 6 hoặc thêm một trong nhóm 5 môn trên. Học sinh có thể học tới 7 môn nhưng số học sinh này không nhiều. Các trường dạy IB có nhiều lựa chọn tự do cho các môn học của từng nhóm đặc biệt là các môn về xã hội học, hay là ngôn ngữ thứ 2.

 

Hệ thống giáo dục Anh Quốc

 

Giáo trình IB đa dạng, có nhiều hình thức trao đổi và nâng cao kiến thức cho học sinh: thảo luận trong lớp, báo thí nghiệm khoa học, bài luyện tập rèn luyện sự sáng tạo, thi vấn đáp, giúp hoàn thiện kỹ năng học và nghiên cứu nhiều mặt. Ngoài ra để đạt đủ tiêu chuẩn nhận bằng IB, học sinh còn cần hoàn thành một bài luận nghiên cứu tự chọn dài 4000 từ (Extended Essay – EE) và một khoá “Lý thuyết của nhận thức” (Theory of Knowledge – TOK) kéo dài một năm giúp học sinh đặc biệt trong lứa tuổi trưởng thành định hình rõ ràng hơn về con người và cuộc sống. Những yêu cầu này là sự chuẩn bị quan trọng và bổ ích cho định hướng tương lai và cũng như môi trường học tập ở đại học sau này.

Điểm cao nhất cho mỗi môn IB là 7, điểm tuyệt đối cho 6 môn là 42. EE và TOK sẽ có điểm thưởng 3 điểm. Vì điểm cuối cùng của IB chỉ có sau khi hoàn tất 2 năm học, trong quá trình học sinh nộp hồ sơ sang các trường đại học Mỹ và tuỳ từng trường đại học ở các số nước, thầy cô tại trường IB sẽ được yêu cầu đưa ra một điểm dự đoán (Predicted Grade – PG) cho học sinh ở môn học của mình làm cơ sở cho các trường đánh giá năng lực và xét hồ sơ của học sinh. Để được nhận bằng IB, học sinh phải đạt tối thiểu 24/45 điểm tương đương với một điểm B và 2 điểm C trong chương trình A level của UK và nếu được tối đa 45 điểm thì tương đương với 6 điểm A của A level.

Một số trường đại học cấp học bổng cho học sinh có bằng IB nên đây có thể là một lợi thế để bạn du học với ít nỗi lo hơn về vấn đề tài chính.

Trần Thị Dần (Tổng hợp)
Giám đốc Công ty Tư vấn du học Sunrise Vietnam
Chuyên gia tư vấn du học từ năm 1998